>> Chàng kỹ sư điện bỏ nghề về trồng rau thu trăm triệu đồng mỗi tháng
>> Lão nông bỏ 500 triệu đồng lên núi làm nhà kính trồng rau công nghệ cao
>> Trồng rau treo thẳng thu tiền tỷ
Bỏ việc kỹ sư về tìm giải pháp trồng rau sạch
Cách đây gần một năm về trước, khi biết chàng trai Nguyễn Quốc Phong từ bỏ công việc kỹ sư công nghệ thông tin với mức lương 25 triệu đồng/tháng để về khởi nghiệp từ lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nhiều người bảo anh "khùng".
Theo anh Phong, khi mới chuẩn bị, anh cũng đắn đo suy nghĩ không biết bắt đầu từ đâu. Giữa nội thất và nông nghiệp, anh phân vân không biết nên chọn cái nào để khởi nghiệp. Cuối cùng anh quyết định chọn nông nghiệp bởi giải quyết được một số vấn đề hiện tại của xã hội về thực phẩm bẩn, quy trình trồng trọt của người dân hiện tại chưa được an toàn.
Dự án khởi nghiệp của anh là cung cấp giải pháp trồng rau sạch mang tên H2O Farm.
Anh Phong cho biết, thực tế mô hình thủy canh này trên thế giới đã phát triển, còn anh tự tìm hiểu trên mạng, rồi thiết kế một mô hình thủy canh đơn giản cho gia đình.
Tận dụng những vật liệu có sẵn bằng ống nhựa, sau khi thử nghiệm thành công, anh liên hệ khảo sát mô hình tại Đà Lạt, tìm kiếm đối tác, vật tư, với giá cả thấp nhất. Sau đó, tìm kiếm vật tư nông nghiệp công nghệ cao chuyên dụng cho thủy canh. Hiện anh đang thực hiện hệ thống thủy canh dùng công nghệ thủy canh NFT, đây là công nghệ tối ưu nhất trong thủy canh.
Phong cũng tự tay nghiên cứu, tự làm phân, bón, trồng những cây rau đầu tiên trên môi trường đất và mô hình trồng rau thủy canh để xem xét trong quá trình trồng có những giai đoạn nào khó khăn, so sánh giữa 2 phương pháp thì phương pháp nào có những ưu, nhược điểm gì…
"Đây là khoảng thời gian đen tối nhất cuộc đời mình, thậm chí có nhiều người nói mình bị "khùng" khi bỏ việc về đi tưới mấy cây rau trước nhà", Phong nói.
Cuối năm 2016, mô hình bắt đầu có những khách hàng đầu tiên. "Khách hàng ban đầu, thử nghiệm mô hình của mình đầu tiên là hai người bạn thân. Khi mình đưa mô hình lên mạng, một giám đốc tại Đà Nẵng cảm thấy thích thú với mô hình đã yêu cầu mình lắp đặt tại nhà của ông. Sau đó, cả 3 rất bất ngờ, hài lòng với sản phẩm mang lại"
Sau gần một năm khởi nghiệp, bỏ túi 300 triệu đồng
Bắt đầu từ cuối năm 2016, sau gần một năm thực hiện, công ty đã tạo được việc làm cho 4-5 lao động thường xuyên, đang chăm sóc cho gần 50 mô hình "rau nhà phố" tại Đà Nẵng và 3 dự án trồng rau thủy canh thương mại với diện tích hơn 2.000 m2.
Hệ thống trồng rau thủy canh hồi lưu công nghệ NFT mà H2O Farm đang áp dụng mang lại 6 lợi ích rõ ràng cho khách hàng gồm: rau phát triển nhanh hơn so với canh tác truyền thống trên đất, rau tươi ngon và luôn sẵn sàng để ăn, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, dễ bảo trì, tiện lợi vì không cần bất kì công cụ làm vườn nào và tính kinh tế vì cho phép khách hàng trồng, thu hoạch và sử dụng những loại rau mà họ cần, không lãng phí.
Và hiện tại, trung bình mỗi tháng công ty nhận thêm 10 đơn hàng để lắp đặt thiết kế theo mô hình này.
"Giải pháp trồng rau sạch mang tên H2O Farm theo quy trình chăm sóc, dinh dưỡng và hạt giống theo giải pháp tiêu chuẩn châu Âu. Mô hình này phù hợp với nhu cầu trồng rau sạch của người dân các đô thị", ông Phong cho hay.
Theo anh Phong, sau gần một năm, mình thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng. Hiện Phong đang tiếp tục đầu tư dự án phát triển hơn. Đến bây giờ chưa thể gọi là thành công, nhưng anh thấy quyết định của mình đến thời điểm này là không sai.
"Đối với mình, khi khởi nghiệp ngoài đam mê phải có sự kiên trì, nhẫn nại, tìm kiếm mô hình, giải pháp phù hợp cho từng thời kỳ, quan trọng sản phẩm làm ra phải giải quyết những vấn đề mà xã hội đang cần, thực sự cần...", anh Phong chia sẻ.
Thời gian sắp tới, Phong sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp phù hợp hơn với nhiệt độ miền Trung; đồng thời chuyển giao công nghệ cho người nông dân, tạo quy trình chuẩn năng suất đồng đều, song song đó, tìm kiếm đầu ra hỗ trợ ngược lại những người nông dân về đầu ra, yên tâm trong việc lắp đặt hệ thống trồng rau thủy canh này…
Khánh Hồng
Comments
Post a Comment