Ngày 26/6, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND TPHCM tổ chức diễn đàn "Kết nối Startups Việt trong và ngoài nước".
Đây là diễn đàn tiếp nối thành công của "Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam" do Bộ Ngoại giao và UBND TPHCM tổ chức tại San Francisco, Hoa Kỳ vào tháng 12/2017.
Diễn đàn là dịp để các Startup Việt trong và ngoài nước, các nhà đầu tư, các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, định hướng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Đồng thời, diễn đàn giúp kết nối các Startup của người Việt trong và ngoài nước với nhau và với các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư tiềm năng, các quỹ đầu tư; tạo cơ hội giao lưu, trao đổi trực tiếp với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam về những thuận lợi, khó khăn, nhu cầu hỗ trợ để phát triển.
Phát biểu tại diễn đàn, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, một trong những điểm yếu của thành phố và cả nước là việc ứng dụng khoa học - công nghệ cũng như sự kết nối khoa học với doanh nghiệp còn hạn chế.
Bí thư Nhân cho rằng phải kết nối doanh nghiệp với nhà khoa học, để sản phẩm của khoa học công nghệ đến với doanh nghiệp và doanh nghiệp có thói quen đặt hàng các nhà khoa học. Khi thành lập doanh nghiệp mới đã có sự kết hợp giữa công nghệ và kinh doanh. Vì vậy, phải hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp để kết hợp hai yếu tố này.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM Nguyễn Kỳ Phùng cho biết, doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến đổi mới sáng tạo, song chủ yếu chỉ phục vụ cho mục tiêu ngắn hạn. Đổi mới sáng tạo chủ yếu mang tính cải tiến, ít phát triển sản phẩm, dịch vụ hoàn toàn mới cho thị trường.
Theo ông Phùng, đa phần các doanh nghiệp được khảo sát chưa đầu tư nhiều vào bộ phận nghiên cứu và phát triển mà tập trung nhiều vào khâu thương mại, dịch vụ hay gia công quốc tế. Vì vậy, khi có ý tưởng mới về sản phẩm, doanh nghiệp sẽ đặt hàng thiết kế, sản xuất với đối tác cung ứng (nhà sản xuất ở nước ngoài).
Tại diễn đàn, 8 diễn giả là chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực khởi nghiệp, đến từ Việt Nam và một số quốc gia như Mỹ, Canada… chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động khởi nghiệp, cũng như đưa ra những mô hình khởi nghiệp phù hợp cho Việt Nam.
Theo các chuyên gia, Việt Nam có nhiều yếu tố để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công và họ cần mạnh dạn trong vấn đề khởi nghiệp.
Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Rynan Holding JSC Nguyễn Thanh Mỹ cho rằng, trong thời đại công nghiệp 4.0, nếu mọi người không đổi mới, đột phá lĩnh vực hoạt động và đổi mới chính bản thân mình thì sẽ bị bỏ lại phía sau.
Bà Lê Diệp Kiều Trang, Giám đốc Facebook Việt Nam, đánh giá tầm quan trọng của nhân tố con người trong quá trình khởi nghiệp. Để tồn tại và phát triển trong thế giới cạnh tranh, bên cạnh việc có một kế hoạch cụ thể rõ ràng cho sản phẩm, doanh nghiệp phải có đội ngũ nhân sự đam mê với cùng chung mục tiêu phát triển và luôn tìm tòi, học hỏi để có những đổi mới.
Tuy nhiên, các diễn giả cho rằng ngoài yếu tố con người thì rất cần vốn đầu tư và sự hỗ trợ của những chuyên gia về khởi nghiệp.
Bà Thạch Lê Anh, đồng sáng lập Quỹ khởi nghiệp Việt Nam và Vietnam Silicon Valley Accelerator, mong muốn TPHCM có 1 trung tâm cho các startup Việt đến gặp gỡ, nghe lời khuyên từ các chuyên gia. Nơi đây cũng là điểm khởi đầu dành cho các nhà đầu tư; quỹ đầu tư mạo hiểm. Hơn nữa, cần nhân rộng mô hình giống thung lũng Silicon của Mỹ để khuyến khích các nhà khởi nghiệp trẻ.
Ông Nguyễn Francis Tuấn Anh, chuyên gia cao cấp phụ trách đối tác Phát triển phần mềm Khu vực Đông Nam Á, Microsoft Vietnam nhấn mạnh rằng, phải đưa sáng tạo và trí tuệ Việt Nam ra nước ngoài bằng việc phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Ông tin rằng, các công ty khởi nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể xứng tầm thế giới, cho ra sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và ngoài nước.
Để khởi nghiệp thành công, chuyên gia Gibs Song (Hoa Kỳ), cho rằng các Startup Việt phải nắm bắt cơ hội, tìm kiếm đối tác làm việc chung trên chặng đường dài. Sớm triển khai ý tưởng thành hiện thực và cho ra sản phẩm, lắng nghe ý kiến khách hàng. Điều quan trọng là phải có sự kiên trì trong quá trình khởi nghiệp.
TPHCM hiện có trên 760 nhóm cá nhân, tổ chức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực, chiếm hơn 42% số lượng Startup cả nước. Có 350 Startup tham gia các chương trình hỗ trợ của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP, trong đó 222 Startup đã và đang được hỗ trợ ươm tạo tại 10 cơ sở ươm tạo của Nhà nước từ năm 2011 đến nay. Ngoài ra, có khoảng 49% Startup đã tìm được nhà tài trợ và đầu tư.
Quốc Anh
Comments
Post a Comment