Miệt mài startup: 16 tiếng/ngày với đôi sneaker làm bằng bã cà phê, hai thanh niên Việt thu về hơn 10 tỷ đồng ở trời Tây
Nếu để nói về từ khoá nổi trội nhất nửa đầu 2019 vừa qua thì không thể không nhắc tới "sống xanh". Làm cách nào để tái sử dụng những vật dụng xung quanh ta hay đơn giản giảm thiểu lượng rác thải đổ ra môi trường vẫn là câu hỏi cần nhiều hơn một lời giải đáp. Người người nhà nhà quay trở lại thói quen dùng giỏ đi chợ, mang ly mua nước để nói không với bao nilong, cốc nhựa quả là tín hiệu đáng mừng.... Bởi thật khó để tưởng tượng hiện có bao nhiêu rác thải khó phân huỷ đang tồn tại và bị chôn lấp ngoài môi trường kia.
Mới đây, dân tình đang dành nhiều sự chú ý cho startup cho cặp đôi Khánh Trần và Sơn Chu - đồng sáng lập thương hiệu giày sneaker Rens ở Phần Lan. Nhìn chung, mục đích của 2 chàng trai Việt hướng đến là sản xuất ra loại giày chống nước từ rác thải đầu tiên trên thế giới. Từ 21 cốc cà phê và 6 chai nhựa, họ đã có thể tạo ra một đôi giày vừa đẹp mắt lại còn thân thiện với môi trường. Quả là một sáng kiến vô cùng ấn tượng!
Giày ướt thì thật tệ đúng không? Vì vậy Rens đã cho ra đời dòng sneaker với khả năng chống nước tuyệt đối.
Bất kì ý tưởng kinh doanh nào cũng đều có những khó khăn, trăn trở ban đầu. Song, Khánh và Sơn đã "một bước may mắn lên mây" khi nhận được phản ứng tích cực từ giới truyền thông và trên hết - đối tượng khách hàng trẻ tuổi mà họ đang hướng đến. Bằng chứng là kết quả vô cùng suôn sẻ: thu về 457 nghìn USD ( sấp sỉ 10,3 tỷ đồng) gọi vốn trên trang web Kickstarter (nền tảng huy động vốn đại chúng chuyên dành cho các công ty startup - PV).
Là một làn gió mới đầy tiềm năng trong giới startup liệu có nhiều áp lực? Khởi nghiệp ở một đất nước vốn phát triển như Phần Lan sẽ như thế nào? Còn điều gì chúng ta chưa biết về Khánh Trần và Sơn Chu?
Chúng ta hãy cùng trò chuyện với họ để hiểu thêm nhé!
Chào Khánh và Sơn!
Hai bạn có thể kể sơ qua về profile bản thân được không?
Khánh: Mình tên Trần Bảo Khánh (1992), sinh ra và lớn lên ở TP.HCM. 19 tuổi mình bắt đầu sang Phần Lan du học ngành Kinh doanh Quốc tế và Logistics.
Sơn: Còn mình Chu Hoàng Sơn (1996), gốc Hà Nội. Từng theo học Lập trình viên trước khi bước vào làm ở lĩnh vực Marketing - Branding trong 2-3 năm.
Chỉ nghe đến đây thôi đã thấy 2 bạn có nhiều điểm khác biệt rồi. Vậy cơ duyên nào đã giúp Khánh và Sơn gặp nhau rồi quyết định xây dựng Rens?
Nói là cơ duyên thì hơi quá, tụi mình từng làm chung một công ty vào 2 năm trước. Hai người không hẳn hợp nhau nhưng kĩ năng có thể bù cho nhau. Khánh giỏi về đối tác còn Sơn thì giỏi về Marketing và Branding nên làm việc khá ăn ý. Tất nhiên phải cộng thêm cả đam mê nữa, ngay từ đầu hai người cùng chí hướng mới có thể đi đường dài.
Từ bã cà phê có thể phát triển thành nhiều sản phẩm, nhưng tại sao bạn lại chọn giày để tung ra thị trường?
Thật ra giày chỉ là ý tưởng đầu tiên mà cả team đem ra "chào sân" thôi. Về sau Rens sẽ phát triển ở nhiều sản phẩm khác. Nhưng nhìn chung tất cả đều dựa trên tiêu chí đẹp, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và nhắm tới đối tượng khách hàng là giới trẻ từ 15-25 tuổi.
Thiết kế ấn tượng của dòng giày sneaker mới được trình làng cách đây không lâu.
Theo dõi các trang báo quốc tế tầm một tháng trở lại đây có thể thấy rất nhiều bài viết đăng tải về Rens theo hướng khá tích cực. Liệu đây có phải là dự tính từ trước của các bạn?
Đúng thật là thời gian vừa qua, Rens nhận nhiều phản hồi tích cực từ bộ phận giới trẻ. Đến hiện tại, tụi mình cũng không tin được sẽ có ngày được chính những nhân vật đặc biệt như Tổng Giám đốc Unilever để mắt tới hay Liên Hiệp Quốc chia sẻ thông tin startup của team lên MXH. Không chỉ vậy, các chủ đầu tư lớn ở Phần Lan và khắp thế giới cũng quan tâm hơn, mang đến cho tụi mình nhiều cơ hội phát triển.
Làm kinh doanh mà bảo không quan tâm đến lợi nhuận chắc chắn là nói dối. Nhưng nếu đi kèm với đó là cái tâm hướng đến cộng đồng, không sớm thì muộn nó sẽ lan toả sức hút đến nhiều người. Đặc biệt đặt trong bối cảnh ai ai cũng quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, giảm thải rác nhựa. Bảo dự tính trước thì cũng đúng, nhưng bản thân sản phẩm mới là thứ thật sự chứng minh uy tín về lâu dài.
Đặt trong bối cảnh đã có nhiều thương hiệu giày đình đám như Nike, adidas. Bạn có sợ mình đi vào ngõ cụt không? Theo bạn thì sản phẩm của Rens có điểm gì khác biệt để khách hàng lựa chọn thay vì những phương án an toàn trước đây?
Nếu người ta muốn mua Nike hay adidas thì người ta đã chọn ngay từ đầu. Về cơ bản khách hàng tiềm năng mà Rens ưu tiên vẫn là giới trẻ, những người sở hữu gout thẩm mỹ cao và không ngại thử những cái mới mẻ. Bởi sản phẩm tụi mình đem lại có mẫu mã sáng tạo, thân thiện với môi trường mà điều này thì hiếm thương hiệu nào làm được.
Điều này chứng minh qua việc sản phẩm giày chống nước của Rens đã có những đơn hàng giao tới nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Bắc Âu, Na-uy,... Thậm chí các nước châu Á như Singapore.
Nghe kể sơ qua thì chưa thấy Việt Nam nhỉ? Liệu 2 bạn đã từng nghĩ sẽ đem Rens về nước?
Đương nhiên điều này đã nằm trong tự tính của hai đứa mình từ lâu. Sắp tới đây, Khánh và Sơn sẽ về Việt Nam để tìm hiểu thị trường và xây dựng trụ sở nghiên cứu ở TP.HCM. Hiện tại, sản phẩm của Rens vẫn được sản xuất ở Đài Loan vì công nghệ ở đây khá tiên tiến. Nhưng nếu được, tụi mình muốn đem nó về và phát triển ở nước mình.
Khánh và Sơn chia sẻ muốn đưa giày Rens đến tay người tiêu dùng Việt.
Ngay từ những ngày đầu hợp tác làm startup, cả hai vẫn luôn mong mỏi có thể mang lại một sản phẩm chất lượng cho người Việt. Chí ít thì cũng phải đánh bại Singapore trong hạng mục đơn hàng ở châu Á chứ! (cười)
Chiến thắng trong một Mùa hè khởi nghiệp 2016 - cuộc thi về startup hàng đầu Phần Lan, đã đem lại cho bạn những gì? Đặc biệt khi có cơ hội va chạm với những startup khác?
Người Việt khởi nghiệp ở Việt Nam đã khó, khởi nghiệp ở một nước xa lạ còn khó hơn. Cuộc thi giúp chúng mình có được nhiều mối quan hệ trong cộng đồng khởi nghiệp nói riêng và kinh doanh nói chung ở Bắc Âu. Nhờ đó mà các nhà đầu tư biết đến tên của team mình nhiều hơn, tin tưởng để rót vốn vào. Chứ không tự nhiên mình tới bảo người ta đưa tiền là người ta sẽ đưa tiền đâu.
Tại sao hai bạn lại chọn start-up - một quyết định khá rủi ro?
Liều thì mới ăn nhiều, ở đâu cũng vậy thôi. Được gặp gỡ những người cực kì giỏi, cực kì sáng tạo lại còn được theo đuổi đam mê kinh doanh nữa nên tụi mình chẳng bao giờ thấy mệt. Làm mà vui, nếu lời thì có thể nuôi sống bản thân. Quả là một cái deal hời!
Khác biệt lớn nhất giữa môi trường khởi nghiệp hai bạn đang theo đuổi và những tập đoàn quốc tế, đã có vị trí trên thị trường?
Sơn trước đây từng làm cho Zalando, mà nếu để nói ra thì Zalando lớn hơn Tiki ở Việt Nam gấp 100 lần. Lương cũng cao nhưng vấn đề là khi làm trong công ty lớn, rất khó gầy dựng một thứ gì đó cho riêng mình. Còn khởi nghiệp thì có thể, nhưng buộc bạn đánh đổi những thứ khác.
Bạn phải làm nhiều hơn, gấp đôi gấp ba bình thường. Đơn cử là việc mỗi ngày của tụi mình bắt đầu từ 8g sáng và kết thúc lúc 12g khuya.
Trung bình làm việc 16 tiếng mỗi ngày nhưng hai chàng trai vẫn tràn đầy nhiệt huyết và đam mê khi chia sẻ về những đôi giày chống nước của mình.
Nhìn chung, bạn thấy yếu điểm khiến các start up dễ bị "chết yểu"?
Chắc do "chém gió" nhiều mà sản phẩm ra không tốt nên thị trường không đón nhận. Cứ đọc sách về startup, đi dự event rồi nói luyên thuyên thì chẳng ai tin đâu. Đây là lý do mà team phải mất hơn 2 năm để nhào nặn ra "đứa con" ưng ý để đem đi chào hàng.
Thêm vào đó, càng ít người đồng sáng lập, cộng thêm skill ăn ý thì khả năng thắng càng cao. Ví dụ nếu như Khánh và Sơn có bất đồng quan điểm, cả hai chỉ cần cãi nhau đến khi nào tìm ra hướng giải quyết là được. Còn như startup trước của bọn mình có đến 4 người, rất khó làm.
Nếu nói như hai bạn, sản phẩm tốt đồng nghĩa với chuyện sẽ được đón nhận?
Thật ra nó còn phải đi kèm với chiến lược marketing tốt nữa. Không có quảng cáo, quyền thông, sẽ chẳng ai biết được sản phẩm của mình tốt cỡ nào.
Để bắt đầu startup cần chuẩn bị những gì?
Trên hết phải tìm cho mình một founding team (những người đồng sáng lập) phù hợp nhưng không được... quá hợp. Chẳng hạn như background khác nhau, tính cách khách nhau nhưng tầm nhìn giống nhau và kĩ năng có thể bổ trợ cho nhau. Bởi giả sử cái gì cũng đồng ý với nhau mà không nhìn ra lỗ hỏng, đến lúc tung sản phẩm ra thị trường rất dễ bị phản ứng ngược.
Team Rens có tổng cộng 9 thành viên với quốc tịch đa dạng như: Phần Lan, Mỹ, Nepan, Hungary,…
Dự tính trong vòng 5 năm tới của hai bạn?
Đầu tiên team mong Rens trở thành thương hiệu được giới trẻ đón nhận bởi tính sáng tạo và thân thiện với môi trường. Tiếp theo là thành lập văn phòng nghiêng cứu ở Việt Nam cũng như chi nhánh ở các nước như Mỹ, Úc và Đức...
Nhưng đó là chuyện tương lai mà, khó tính trước lắm. Nếu được hơn thì càng tốt nhỉ!
Cảm ơn Khánh và Sơn đã có những câu trả lời thú vị. Chúc bạn thành công trên con đường đã chọn!
Comments
Post a Comment